Website hữu ích

phaidep.info

Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2010

Hành trình “Nghề buôn” của người Việt tại Nga


Hình thành từ mô hình “Ốp – chợ”, với bề dày hơn 20 năm, “nghề buôn” của người Việt tại Nga đã có lúc thăng lúc trầm. Hàng dệt may Việt Nam đã có thời chiếm lĩnh 70% thị phần LB Nga.

Hình thành từ mô hình ốp-chợ

Giữa những năm 80 của thế kỷ trước, hoạt động ngoại thương của nước Nga còn rất hạn chế. Những mặt hàng mới, lạ đều khiến cho người Nga thích thú như son môi, áo phông cành mai... Nhiều sinh viên người Nga đã nhờ sinh viên Việt Nam mua giúp những đồ dùng lặt vặt và sau đó hết lời ca ngợi hàng hóa Việt Nam.

Từ những chuyện rất đời thường ấy, bằng sự nhạy cảm của mình, các sinh viên Việt Nam thay vì chỉ mang theo một chút ít đồ sang sử dụng, đã nghĩ cách tăng số lượng hàng hóa mang theo để bán kiếm lời. Và bắt đầu từ đó, những ai sang Nga, dù đi công tác hay du học đều cố gắng mang theo nhiều hàng hóa. Ngoài số cân miễn thuế theo quy định, ai cũng cố ních trên người 5-7 chiếc áo phông hoặc vài chiếc quần bò, mặc kệ trời nóng nực, mồ hôi vã ra như tắm.

Dần dà, khi nhu cầu tiêu dùng của người Nga ngày càng tăng, lượng hàng hóa Việt Nam tại đây trở nên phong phú hơn. Ngoài việc bán hàng ở Moscows, một số sinh viên và người lao động Việt Nam ở các thành phố khác trong liên bang Nga cũng đặt vấn đề mang hàng về thành phố mình sinh sống để bán. Nhiều người đã cùng nhau hợp tác, chung vốn đặt hàng số lượng lớn từ Việt Nam sang Nga bằng đường hàng không, tuy với mức cước phí cao, nhưng vẫn có lời. Hàng hóa này, sau khi ra khỏi sân bay được chuyển thẳng về “Đôm 5 Cũ” (đôm - tiếng Nga, nghĩa là “nhà ở”), nơi tập trung đông đảo các nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam, những người đầu tiên mở ra con đường buôn bán ở Nga.

Do thông thạo tiếng Nga, họ đã liên hệ với các sinh viên người Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác đưa những mặt hàng như quần bò, đồng hồ điện tử, đài cassette... sang bán. Hàng hóa từ Việt Nam sang Nga ngày càng tăng về số lượng cũng như chủng loại và được vận chuyển theo đường biển.

Ở Moscows, do là điểm đầu tiên tập kết giao và nhận hàng nên nhu cầu về kho tàng, bến bãi, địa điểm vô cùng quan trọng. Các “chủ hàng” đã lấy mô hình Đôm 5 Cũ làm điển hình, dần dần mở rộng và phát triển thêm các đôm, các ốp (“ốp” - tiếng Nga, nghĩa là “ký túc xá”) với mô hình vừa ở vừa bán hàng như: Nagor, ốp Zin, ốp Lốp, ốp Búa liềm Cũ và sau này là Đôm 5 Mới, Búa liềm Mới, Socol, Saliut 1, 2, 5, Sông Hồng 1, 3, 5, Togi, An Đông hoặc mô hình ốp chỉ là chợ như Lion, Saliut 3. Tính đến cuối năm 2001, riêng ở Moscows đã hình thành 16 ốp ở và buôn bán của người Việt. Có thể nói, đây là thời kỳ thịnh vượng nhất của người Việt ở Nga trong suốt gần 20 năm. Người Việt gần như độc quyền về buôn bán, mở ốp, dựng chợ không chỉ riêng ở Moscows mà ở hầu hết các thành phố thuộc Liên Xô cũ.

Thế nhưng, do các ốp cho thuê đều có hợp đồng ngắn hạn, không ổn định, hơn nữa về sau này do giá bất động sản tại Nga lên cao, một số nhà máy phục hồi có nhu cầu lấy lại đất, rồi nhiều lý do như an toàn cháy nổ, vệ sinh dịch tễ nên chúng dần bị giải thể. Trong những năm từ 2002 đến 2007 hàng loạt các “ốp” ở và bán hàng của người Việt lần lượt bị đóng cửa.

Tại chợ Vòm, hàng Việt dần mất “đất”

Rời bỏ mô hình ốp-chợ, người Việt hòa mình vào cộng đồng các dân tộc khác cùng buôn bán ở chợ Cherkizov vẫn được quen gọi là chợ Vòm ở thành phố Moscows. Tuy đã được thành lập từ năm 1995 và đã có một số người Việt Nam cùng người Trung Quốc, Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ đứng bán, thế nhưng, chợ Vòm thực sự sôi động và sầm uất chỉ khi hầu như tất cả các ốp bán hàng Việt Nam bị tan rã, gần như 90% người Việt ở Moscows đổ ra chợ làm ăn.

Một thực tế đáng buồn: Tuy là những người khởi dựng nghề buôn ở Nga và có nhiều năm kinh nghiệm, nhưng ở chợ Vòm, người Việt đã dần đánh mất vị thế khi cạnh tranh với người Trung Quốc và các nước khác.

Nguyên nhân của việc bị mất vị thế này rất nhiều, nhưng chủ yếu là do cuộc khủng hoảng kinh tế Nga năm 1998. Những người Việt từng sống ở Nga trước thời điểm này đều biết rất rõ, hàng dệt may Việt Nam tại Nga lúc đó chiếm khoảng 70% thị phần. Những mặt hàng như áo phông cành mai, áo phông chuông, túi chấm, son, phấn, túi ba tầng, áo phông trẻ em, quần bò trẻ em, áo gió... được dân Nga vô cùng yêu thích. Đây là thời kỳ hưng thịnh của thương hiệu Việt, góp phần tạo thu nhập cho hàng chục nghìn người Việt buôn bán ở Nga và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn nhân công sản xuất, gia công trong nước.

Năm 1998, nước Nga chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế kéo theo hàng loạt nhà sản xuất hàng Việt Nam trong nước bị phá sản, không có tiền để sản xuất tiếp, nợ nần chồng chất, có trường hợp phải vào tù vì không có tiền trả nợ ngân hàng. Chị Thanh Vân, một chủ doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang Nga thời đó tiếc rẻ: “Chúng tôi thực sự đã gặp vận đen, không có nhiều vốn để quay vòng và trang trải. Giá như lúc đó chính phủ kịp thời quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện giãn nợ ngân hàng, cho chúng tôi vay thêm vốn sản xuất và tạo cơ hội cho chúng tôi tiếp tục xuất khẩu, thì nhiều khả năng chúng tôi đã vượt qua được những khó khăn này”.

Hậu khủng hoảng 98. Cả một thời gian dài các tiểu thương Việt Nam không có hàng hóa để bán. Lúc đầu, một số “soái” lớn người Việt đã sang Trung Quốc đặt hàng, nhưng dần dà chính người Trung Quốc tự đánh hàng sang Nga giao cho người Việt bán. Khái niệm “mua hàng xu-khôi” (Xu-khôi – tiếng Nga, nghĩa là “khô”, trong trường hợp này được hiểu là “lấy hàng trước, thanh toán sau”) được hình thành từ đó.

Khi hàng Trung Quốc đã tràn ngập và chiếm lĩnh thị trường, nhiều doanh nghiệp Việt Nam giật mình nhìn lại tương lai của hàng Việt. Trong một cuộc họp xúc tiến đầu tư cách đây 5 năm, một vị đại diện thương vụ Việt Nam đã mạnh dạn phát biểu: “Thật là thấy lợi trước mắt mà không thấy cái hại lâu dài, do chủ quan, nên vô tình chúng ta đã tự khơi dòng cho nguồn hàng Trung Quốc tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường Nga. Và từ đó “chặn đứng” con đường quay trở lại nước Nga của hàng Việt Nam”.

Tuy có những lúc thăng trầm, nhưng người Việt vẫn là cộng đồng thành công ở Nga. Những người buôn bán ở đây đã đưa con, em, vợ, chồng họ hàng, người quen sang để cùng buôn bán. Hiện nay, ở nhiều thành phố có những gia đình quây quần, tập trung đến cả chục người thân với vài ba thế hệ. Nhiều nơi, người Việt vẫn buôn bán ổn định. Tại những thành phố lớn, đều có các đoàn thể, tổ chức chặt chẽ nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, đoàn kết xây dựng cộng đồng.

Cơ hội “Nga tiến” của hàng dệt may Việt Nam?

Cuối tháng 6/2009, Chính quyền Liên bang quyết định đóng cửa chợ Vòm, đây là tin buồn với giới buôn bán trên toàn liên bang và với cộng đồng người Việt ở Nga nói riêng.

Nhìn lại quá khứ, so sánh với vụ Đôm 5, vụ Saliut, và nhất là vụ khủng hoảng kinh tế năm 1998 khiến cho người Việt ta điêu đứng thì vụ đóng cửa chợ Vòm lần này, người thiệt hại nặng nhất là các doanh nhân Trung Quốc. Hàng loạt hàng giả, hàng lậu, hàng độc hại bị giữ với trị giá vài tỷ USD. Và chắc chắn nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất của họ cũng rơi vào tình trạng phá sản tương tự như các doanh nghiệp Việt Nam năm 1998.

Kịch bản cũ có thể dựng lại? Khi cộng đồng người Việt Nam vẫn còn đang rất mạnh trên khắp nước Nga, khi hàng Trung Quốc đang “điêu đứng”, liệu có phải là cơ hội cho hàng Việt Nam trở lại với nước Nga?

Dù chính quyền Liên bang có tiếp tục cho buôn bán ở chợ trời, hay khuyến khích buôn bán trong các Trung tâm thương mại thì với nguồn nhân lực dồi dào hiện nay, với kinh nghiêm lâu năm sẵn có, với cơ hội lúc hàng Tàu đang bị tẩy chay ở Nga, thì sự quay trở lại thị trường của hàng Việt Nam không phải là mơ ước xa vời.

Tất nhiên, để làm được điều này, cần có sự năng động, mạnh dạn, nhạy bén của các doanh nghiệp Việt Nam tại Nga, sự kết hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp ở Nga. Rút kinh nghiệm của năm 1998, thiết nghĩ chính phủ càng cần quan tâm hơn tới lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi và ưu đãi nhất để giúp các doanh nghiêp lấy lại thị trường vô cùng lớn cho hàng Việt tại Liên bang Nga. Hàng chục nghìn tiểu thương Việt trên đất Nga đang đón chờ ngày trở lại của hàng Việt, mong đợi được tự tay bán những mặt hàng made in Việt Nam. Hy vọng những ước mơ đó sẽ sớm trở thành hiện thực!./.

Theo hoidoanhnghiep.ru


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét